Spring,Summer,Fall, Winter…and Spring

Nội dung :
Một vùng cô tịch, non nước hữu tình có hồ trên núi, giữa hồ là thủy đình cong cong mái gỗ. Nơi đấy ẩn thân hai thầy trò tu hành, một tăng một tiểu…

Buổi sáng mùa xuân thanh khí tràn ngập núi rừng, trong màn sương bàng bạc cỏ cây khoe lá mới. Sau hồi mõ xua tan tĩnh lặng chốn thâm nghiêm, thầy trò nọ lại rời hàn tự lên chiếc thuyền con chèo vào bờ. Sư trầm tĩnh, quắc thước, không mang dáng dấp khổ hạnh nhưng có khí chất bậc chân tu. Tiểu khôi ngô, đầy đặn, chứng tỏ được chăm sóc tốt. Việc thầy thầy làm, còn tiểu vào rừng hái lá thuốc… Tiểu bé con nên ham chơi, cậu bắt các loài vật nhỏ cột vào sợi dây và một viên đá rồi khoái chí xem “bò kéo xe”. Sư phụ thấy và hiểu hết. Nửa đêm tỉnh dậy, sư cột vào người tiểu tảng đá to… Sáng ra ông nghiêm khắc dạy trò: hãy đi giải thoát những con vật tội nghiệp… Tiểu được bài học sâu sắc nhớ đời…

Mùa hạ. Tiểu ngày nào đã là tăng trẻ vóc dáng cường tráng, hừng hực sức trai thừa sinh khí. Sư phụ tuổi nhiều, cốt cách tựa bách tùng sương gió. Ngày tháng êm đềm một sớm ngừng trôi khi xuất hiện hai người viễn khách. Thiếu phụ dìu thiếu nữ xanh xao tiều tụy, họ lên chùa nhờ cửa Phật cứu vớt một linh hồn không thiết sống. Trụ trì khẳng định cô mắc tâm bệnh, chốn thiền môn thanh tịnh sẽ tẩy rửa bụi trần, phế trừ tạp niệm, rồi ra nàng sẽ khỏe… Người mẹ về lại với đời, gửi con cho hai vị tu hành xa lánh cõi tục, quen kinh kệ sớm chiều, gìn đuốc tuệ đuổi tham sân si, giữ bản ngã không không sắc sắc…

Tăng trẻ lần đầu thấy gái đẹp đâm lúng túng ngẩn ngơ. Có điều gì đó đổi thay trong cơ thể gã đầu trọc, nó bừng bừng như lửa, ngọ nguậy như kiến bò, làm gã khát, một thứ khát nhừa nhựa dục tình. Gã tò mò ngắm trộm thịt da nõn nà, thừa cơ vọc tay miền nhạy cảm khi gái trẻ ngủ vùi hớ hênh, một cái tát nhẹ tênh làm dục vọng thăng hoa tột đỉnh, khác chi dầu dập lửa. Lúc đầu còn e dè, sau ra chiều thích thú, nàng thí chủ cười lẳng “bật đèn xanh” để trai tăng dấn tới. Thế là đầu ghềnh cuối bãi diễn cảnh bộc dâu, lõa thể phơi bày trước Phật đá muôn đời câm lặng. Ngày tình tự trên non, đêm tự tình nội tự, vượt chướng ngại là ông thầy ở giữa, gã tăng bò lổm ngổm rúc vào chăn cô nàng thỏa mãn… Ô hô! Tụng niệm bao năm tan thành mây khói, nghiệp chướng nhân gian còn nặng trách gì lạc đường tu… Rồi sư phụ cũng hay, ông chỉ biết lắc đầu mời thí chủ xuống núi. Kỳ lạ thay cô nàng khỏe lắm, tinh khí trai tân quả là thần dược… Đêm ấy tăng trẻ không kìm lòng, lẳng lặng bỏ đi, không quên bợ theo bức tượng Phật Bà… Thầy nhắm mắt thở dài khi trò rời tự, huệ căn không vững, giữ cũng bằng không…

Mùa thu. Mái đầu thầy lốm đốm bạc, cô quạnh rừng sâu núi thẳm sư ông tĩnh tại hơn người mới vững vàng như cây phong đỉnh núi. Một lần tình cờ đọc mẩu báo gói nắm cơm, thấy có bài về một vụ án mạng, ông lại thở dài… Chẳng cần đợi lâu, mươi bữa sau hắn xuất hiện bên hồ trong dáng bộ của kẻ trốn chạy. Còn đâu khí chất năm nào, trước mắt thầy là gã phong trần khô lạnh, râu tua tủa nhiều ngày chưa cạo, đôi mắt hằn tia tàn ác, tay cầm dao nhọn đỏ máu, hắn gào thét giãy giụa… Tội lỗi, tội lỗi… Sau khi giết cô vợ ngoại tình xưa kia từng thề thốt yêu thương bên sườn non gốc thụ, hắn chẳng còn nơi nào để đi ngoài nơi chốn lớn lên bên ông thầy độ lượng… Sư phụ trách hắn địu Phật vào cõi tục mà quên dưỡng tâm… Hắn trách kẻ phụ tình, oán đời bạc bẽo, lo sợ công lý trừng phạt nên tự tử, nhưng số hắn chưa tận làm sao chết nổi… Thầy lặng lẽ viết một thi phẩm lên mặt sàn gỗ trước đình… Sáng ra, hai vị thanh tra đến truy bắt tội phạm, hắn chống cự, thầy xin cho kẻ giết người có đủ thời gian khắc lại bài thơ sám hối… Lạ chưa, công việc vừa xong thì ác nghiệt tiêu tan, kẻ gây án hiền như đứa trẻ, ngoan ngoãn theo nhà chức trách… Họ đi rồi thầy cũng đi, cao tăng về cõi Phật tạ tội bởi lỗi lầm của đệ tử, ông để lại ngôi chùa nghèo cho người ngày trở lại…

Mùa đông. Băng giá tràn sơn cước, một vị trung niên dừng chân non vắng, nơi này thuộc về ông. Mặt hồ đóng băng, cửa chùa nhiều năm mới có bàn tay mở, thủy đình lại ấm hơi người… Trả nợ đời rồi trả nợ Phật pháp, trả nợ thầy, trả nợ tự, trả nợ kiếp tu chưa trọn… quá trình lột xác chập chững bước đầu tiên… Cho tới hôm một phụ nữ trẻ bế đứa bé trai đỏ hỏn gõ cửa ngôi chùa lạnh…

Xuân hạ thu đông hệt kiếp người, có điều thiên nhiên rồi trở lại, còn đời người thì không… Không hẳn vậy, sự kế tục của lớp sau là mầm xanh mùa xuân đấy, thiên lý vẫn tuần hoàn, ngọn nến trên bàn thờ Phật vẫn cần cháy đỏ để xua tan ác nghiệp, để thắp sáng niềm tin thiện căn. Bộ phim khá hấp dẫn và giàu triết lý, dù khai thác đề tài nhạy cảm nhưng rất trong sáng khi làm nổi bật vai trò của giá trị tâm linh – tôn giáo trong việc chế ngự cội nguồn tội lỗi. Sau bể khổ trầm luân là sự trở về sám hối, phải chi mọi lỗi lầm trên đời đều nhận thức “quay đầu là bờ”. Con đường tu đâu có dễ khi người ta phải từ bỏ, nín nhịn mọi cám dỗ nhân gian, chính quả thì xa vời, ngọt bùi lại kề cận, chệch đường là vực thẳm… Với thời gian, kẻ lầm lạc tìm về chánh đạo có thể vò giặt nội tâm, tắm gột phẩm người, lúc ấy họ đang hạnh ngộ chân trời thiện…

Gã trai tăng phạm sắc giới vì không kiềm chế dục vọng, bỏ chùa bỏ thầy theo một bóng hồng bởi lòng trần còn vương, đáng trách nhưng không đáng ghét. Nhưng việc xa rời giáo lý nhà Phật, quên lời thầy dạy mà đắm chìm biển dục rồi trả thù phụ bạc bằng cách tước đoạt mạng sống người khác thì quả là điều ghê gớm không ngờ của kẻ từng khoác áo tu hành… Cũng may hắn giác ngộ, hòn đá ngày xưa buộc vào con cá con ếch được hắn thay bằng tượng Phật rồi tự thân gùi lên đỉnh núi để cảm nhận trong nỗi ăn năn sự trĩu nặng của linh hồn… Làm sư sãi đất chùa, tốt thôi, trở về đời lương dân cũng tốt, nơi chốn nào cũng cần thiện tâm làm gốc…

Kết :
Cảnh quay tuyệt đẹp toàn non xanh nước biếc như tranh thủy mạc, rất kiệm lời mà nhiều suy tưởng, ngôn ngữ điện ảnh chuyển tải biết bao hàm ý. Một chùa, một tiểu, một tăng, một thí chủ… vậy mà cuốn hút người xem đến cái nơi cô quạnh diễn trận “thư hùng” giữa đạo với đời, thiện với ác, chính nhân và tà khí, u ám mùa lá đổ cùng tinh khôi nắng ấm về…

Tourane – Đà Nẵng xưa qua hình ảnh

Đà Nẵng được xem như “Yết hầu của vùng Thuận Quảng”, Quảng Nam với ý nghĩa rộng là vùng đất mở rộng về phương Nam, cùng với sự kiện năm 1471 vua Lê Thánh Tông lập Quảng Nam Thừa tuyên đạo gồm 3 phủ Thăng Hoa, Tư Nghĩa và Hoài Nhơn. Cư dân đầu tiên ở đây là cư dân Sa Huỳnh.

Tourane là tên của Đà Nẵng trong thời Pháp thuộc. Do sức ép của Pháp, năm 1888 vua Đồng Khánh phải ra một Đạo dụ nhượng Đà Nẵng (Hà Nội và Hải Phòng ) bao gồm Hải Châu, Phước Ninh, Thạch Thang, Nam Dương và Nại Hiên Tây, thường gọi là “ngũ xã”. Bộ máy cai trị do viên Đốc lý người Pháp đứng đầu và các cơ quan giúp việc.

Theo đó các phố tây và công sở phần lớn nằm trên các trục đường chính như Quai Courbet (Bạch Đằng), Jules Ferry nối dài Rue de Musée (Trần Phú ), Francis Garnier nối dài Marc Pourpe (Lê Lợi và Phan Châu Trinh) và khu dân cư bản xứ ở phía tây.


Ga chính của Đà Nẵng xưa, được xây dựng vào năm 1905 trên đường Lagtie (nay là đường Hải Phòng), Gare principale de Tourane – Old


Đường rail hỏa xa và Ga phụ chạy dọc sông Hàn. Tàu hỏa chuyển hàng hóa và khởi hành tại đây. Tàu chạy bằng than, phun khói mù mịt, thỉnh thoảng có kèm theo tro lửa nên dân ta quen gọi “tàu lửa”.


“Cảnh mô vui bằng cảnh đất Hàn
Dưới sông tàu chạy, trên đàng hỏa xa”


Vua Thành Thái vi hành Đà Nẵng bằng tàu Hỏa (người đang dắt một Hoàng tử từ tàu hỏa bước xuống). Bên dưới là những cận thần lo việc bảo vệ. Trông dáng vua có chiều cao rất khiêm tốn (điều nầy phù hợp với sử sách) .
Thuyền của nhà vua đi thăm cửa Hàn


Đà Nẵng, đón rước vua Thành Thái đi kinh lý và thăm một ngôi chùa. Ảnh cho thấy binh lính tất bậc với cờ, kiệu, lọng, dù. Hộ giá đức Vua. Cổng ngôi chùa này giống với chùa An Long (một ngôi chùa cổ, tọa lạc gần cổ viện Chàm- có trong album nầy)


Tàu lửa từ Đà Nẵng đi Huế. Những nhân viên hỏa xa đang tất bật cho chuyến khởi hành. Thị dân Đà Nẵng phần lớn đi chân đất, nam nữ đều đội nón lá có vành rộng, đi hoặc đứng đều có thói quen chắp tay phía sau!


Hỏa xa ở Đà Nẵng (trên đường Bạch Đằng ngày nay)


Cầu Nam Ô (chủ yếu phục vụ tàu lửa, ô tô chỉ đi “ké”)


Cầu Nam Ô, một cây cầu đẹp, không thua gì cầu Tràng Tiền ở Huế. Vùng này có sản phẩm nước mắm và món gỏi cá rất nổi tiếng – Liên Chiểu Đà Nẵng (old photo)


Đường hầm tàu lửa Hải Vân Đà Nẵng – Huế được hoàn thành vào năm 1906 với sức người là chính. Đã có hàng trăm phu phen bỏ mạng khi đường hầm được hoàn thành. Tàu chạy qua đây mỗi ngày chỉ có 2 chuyến nên “Sếp hầm” thả chó đi rông và ngồi chơi luôn ở đây!


Đèo Hải Vân (old) với đường đèo rất hẹp chỉ đủ cho xe lưu thông một chiều nên phải chờ rất lâu. Đường đèo hẹp lại quanh co hiểm trở, không có lan can phòng hộ như bây giờ!


Những công nhân điện tín đầu tiên của Đà Nẵng vào năm 1906. Có tên gọi nôm na là nhà dây thép ! Tiền thân của Bưu điện Đà Nẵng bây giờ! VNPT Đà Nẵng nên tìm con cháu của những người nầy để sử dụng…cũ

ng là cách trả ơn tiền nhân.


Những ngư dân đánh cá đầu tiên ở Đà Nẵng- Những tiền hiền nghề biển của các ngư dân Sơn Trà ngày nay( hữu ngạn sông Hàn ), trông họ rất khỏe mạnh, vạm vỡ và đen nắng. Ảnh chụp cho thấy sinh hoạt, nhà cửa chủ yếu bằng tranh tre, có mái rất thấp để tránh bão tố khắc nghiệt thường xuyên của vùng nầy.


Tòa Thị chính (cũ) – sưu tầm từ bưu thiếp


Thương lượng giữa các quan chức bản xứ và thương nhân thuyền buôn nước ngoài. Người ngồi kiệu, lọng che, với râu dài có lẽ tương đương chức Chủ tịch UBND thành phố bây giờ – Tourane 1749 by Charles Fouqueray – (đây có lẽ là bức tranh xưa nhất về Đà Nẵng)
Khách sạn MORIN de Tourane (do anh em nhà Morin) ở Đà Nẵng ngày xưa sáng lập. Nay là Khách sạn Bạch Đằng (Morin có một chuỗi các khách sạn tại Việt Nam gồm Huế – Đà Nẵng và Bà Nà )

Đường Độc Lập 1965. Nơi đây có rạp chiếu phim Kinh Đô.

Bến sông Bạch Đằng 1964

Ngư dân cào nghêu ở bãi biển Thanh Bình 1960

Buổi sớm ở Thọ Quang

Làng Thanh Khê xưa (ven đường xe lửa) Nhà cửa thấp, hầu hết bằng tre, lợp lá hoặc rơm rạ.

Đường Bạch Đằng 1963

100 năm trước Jules Ferry và nay là đường Trần Phú, con đường sầm uất của Đà Nẵng ngày nay. (Tòa nhà lớn là bệnh viện quân đội Pháp)


Trong lịch sử đạo Thiên chúa ở Việt Nam, Đà Nẵng là vùng đất truyền giáo thuộc loại sớm nhất. Hồi đầu, cả thành phố chỉ có một nhà thờ trong khu vực thành Điện Hải do quân Pháp chiếm đóng (ảnh trong album này). Năm 1923 nhà thờ chính tòa mới được xây dựng trên Rue du Mussé. Bức ảnh này cho thấy giáo dân Đà Nẵng đang đón mừng Noel khi chưa có nhà thờ. Có lẽ tấm ảnh này được chụp vào những năm đầu của TK XX.


Nhà thờ Chánh tòa ( còn gọi nhà thờ Con Gà) do trên nóc có biểu tượng con gà trống Gaulois. Nhà thờ nằm trên Rue du Mussé (đường Trần Phú ngày nay)

Nhà thờ Chánh tòa – ảnh chụp 1925

Bên trong nhà thờ Chánh tòa xưa. Người có râu dài có lẽ là cha cố đạo Vallet, người phác thảo tổng thể về kiến trúc của ngôi nhà thờ này.

Bên trong nhà thờ Tourane (nhà thờ chính) trong ngày lễ trọng 14 tháng 9 năm 1924.

Đường Bạch Đằng ( rue Courbet ) – Trụ sở của hãng Liên hiệp thương mại Đông Dương và Phi Châu (L’U.C.I.A

) lập năm 1904- Về sau là trụ sở Tổng lãnh sự Hoa Kỳ trước 1975 – Sau năm 1975 là nhà trưng bày chứng tích tội ác ĐQM – Ngày nay là tòa nhà khách sạn Indochina River side – Ảnh cho thấy đây là con đường trung tâm của thành phố Đà Nẵng, nơi có bến tàu, đường hỏa xa và các tòa nhà lớn của các công ty thương mại. Một chiếc Renault 1927 của hãng Staca đang chở khách trên đường. Phía xa là những chiếc xe kéo và những cư dân lao động buôn gánh bán bưng trên vỉa hè. – OLD

Trại lính Pháp xưa- BCH Thành Đội Đà Nẵng bây giờ


Tòa Thị Chính Đà Nẵng 1970

Tòa Thị Chính và trụ sở Cty Shell xưa – Tòa nhà làm việc của UBND & HĐND thành phố Đà Nẵng bây giờ.

Chợ Cồn – Được xây dựng những khoảng năm 1940, trên một cồn đất cao giữa lòng thành phố, nơi đây nguyên là bãi phóng uế công cộng nằm trước Kho Đạn, cồn đất này sau đó được san bằng để làm ngôi chợ. Đây là ngôi chợ vào loại lớn, buôn bán sầm uất của Tp Đà Nẵng. Năm 1984 chính quyền thành phố đã cho xây lại chợ với tên là Trung tâm Thương nghiệp Đà Nẵng nhưng nhân dân vẫn quen gọi là Chợ Cồn. Ảnh cho thấy cổng chợ nằm trên mặt tiền đường Khải Định (Ông Ích Khiêm bây giờ).

Chợ Cồn, Đà Nẵng 1949

Chợ Cồn

Bên trong chợ Cồn

Đà Nẵng 1945 – Trước chợ Hàn.

Chùa Pháp Lâm Đà Nẵng xưa

Chùa Vu Lan xưa, một ngôi cổ tự. Ngày nay chùa tọa lạc tại 84 Núi Thành, quận Hải Châu, tp. Đà Nẵng.

Tòa nhà này hiện nay vẫn còn giữ được kiến trúc như ban đầu (đường Bạch Đằng)

Nhà thờ và bệnh viện trong khuôn viên thành Điện Hải xưa.

Thành Điện Hải được xây dựng kiên cố vào năm 1823 (Minh Mạng) theo kiểu vauban, có thành cao 12 mét, nơi đây vào năm 1858 đã xẩy ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân dân Đà Nẵng (do Thống chế Lê Đình Lý, rồi đến Thống chế Nguyễn Tri Phương chỉ huy) với liên quân Pháp – Tây Ban Nha .
Nhà thờ và Bệnh viện xưa (trong ảnh) được xây trên nền của thành Điện Hải – Ngày nay nhà thờ không còn nữa. Phần đất thấp, kế nhà thờ, nay là Công viên Phần mền và thành Điện Hải đang được trùng tu. Tại khu vực nầy khi xây dựng, người ta đã phát hiện nhiều loại vũ khí xưa.

Trẻ con trên vùng cát _ Sơn Trà ngày xưa! Không áo, không quần. Suốt ngày rông chơi trên cồn cát.

Đà Nẵng – lớp tiền bối.

Những người thợ điêu khắc gỗ ở làng Kim Bồng xưa – Những nghệ nhân tài hoa đất Hội An (Faifoo-Tourane)

Khách sạn Bưu chính và Điện tín trên đường Courbet (nay là Bạch Đằng) – Tòa nhà này mới đây đã bị phá bỏ và thay vào đó là một khách sạn cao tầng trên đường Bạch Đằng

Ngã tư Republique – Ferry – OLD (Hùng Vương – Trần Phú bây giờ)

Đường Courbet

“Ai đi trên đường cái Quan !” Route Mandarine – Nay là Quốc lộ số 1A, là con đường huyết mạch từ Bắc vào Nam – ảnh chụp năm 1908


Ải Vân Quan – chốt chặn quan trọng trên đường ra kinh thành Huế.

Một “ông Ba mươi” săn được ở chân núi Ải Vân.

Núi Ngũ Hành Sơn (ảnh chụp cách đây ngót 100 năm) với quang cảnh chùa cổ Tam Thai

Ngũ Hành Sơn (hòn Hỏa Sơn) – Ngày xưa, núi đá “chìm” dưới những đụn cát.

Xẻ đá ở Ngũ Hành Sơn !
Rất may chính quyền đã có chủ trương cấm khai thác đá ở đây từ năm 1998, nếu không thì đến nay chắc chỉ còn “nhị hành sơn” cũng nên!

Đình làng Phước Ninh xưa ( đường Lê Đình Dương). Xưa kia nơi đây nhà tranh vách đất, dân thưa thớt. Cư dân sống bằng nghề làm muối, trồng trọt.

rue Republique – Nay là đường Hùng Vương

Đường Champeaux về sau đổi là Republique

, nay là Hùng Vương – Khu vực trong ảnh bên trái là chợ vườn Hoa, nay là khu đất “vàng” đang xây dựng bãi đổ xe ngầm và khu đất bên phải là khu triễn lãm 84 Hùng Vương nay cũng đang được xây dựng thành khu cao ốc của thành phố Đà Nẵng.

Đường Hà Nội xưa! nay là đường Hùng Vương, con đường buôn bán sầm uất nhất nhì Đà Nẵng.

Đà Nẵng xưa

Nhà thông tin *đường Hùng Vương ngày nay.

Trụ sở của ủy viên cộng hòa thuộc đoàn đại biểu Đà Nẵng – Tòa nhà nằm ở góc ngả tư Yên Bái – Hùng Vương bây giờ

Đình làng An Hải

Rạp hát Hòa Bình về sau được xây dựng lấy tên nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh * trên đường Phan Châu Trinh- Old

Nhà hàng trên bến Bạch Đằng trước 1975 – OLd

Chà Và Ấn Độ- Những thương nhân nước ngoài có cửa hiệu tại Đà Nẵng (Chủ yếu buôn bán vải)

Đường làng

Đình làng Hải Châu 1950 (ảnh sưu tầm)
So với đình làng Hải Châu ngày nay đã khác rất nhiều! Rất tiếc! – Old photo –

Đình làng Hải Châu, chụp năm 1952. – Old photo- Nơi thờ tự các tộc họ, nguyên quán từ thôn Hiếu Hiền, xã Hải Châu, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa, đã theo vua Lê Thánh Tôn vào Nam bình Chiêm từ năm 1471 và định cư ở luôn lại đây. Những cư dân đầu tiên nầy và con cháu họ đã có công lớn trong việc hình thành thành phố Đà Nẵng như ngày nay.

Hội đồng kỳ mục của làng – Các cụ chuyên “ăn trên, ngồi trước”

Bàn tay của kẻ Sĩ thời xưa, với những móng tay rất dài, để chứng tỏ họ là tầng lớp trên, không phải lao động vất vả. Vì vậy có câu thơ rằng:
“Nhất Sĩ, Nhì Nông
Hết gạo chạy rông
Nhất Nông, Nhì Sĩ”

Bờ đông sông Hàn trước năm 1985
Vietnam — Image by © moodboard -Old

Ga Chợ Hàn (Gare de Tourane Marché) ( Old photo ) được xây dựng trong những năm 40, nhằm thuận lợi cho việc bốc dỡ hàng hóa đi các nơi trong nước. Đến những năm 90 ga nầy bị phá bỏ để làm con đường Bạch Đằng đẹp như ngày nay.

Đà Nẵng – Những năm 80 vẫn còn nhà ga phụ.

Viện Bảo tàng Cham được lập vào năm 1919. Bức ảnh nầy cho thấy thời kỳ nầy chưa có bảo tàng Cham. Những hiện vật được người Pháp tập trung về đây (vườn trưng bày) vào khoảng năm 1900 trong đó có vật linh, bò Nandin, con vật tín ngưỡng của người Cham – Old photo-

100 năm trước- Phòng Thương mại & Nông nghiệp thời Pháp thuộc- Old

100 năm sau vẫn còn giữ kiến trúc cũ- present….Nhưng nay vừa mới bị đập phá vào tháng 12/2010 để xây trường mẫu giáo ABC !

Cercle de Tourane nay là CLB thanh niên, số 30 đường Bạch Đằng

Bưu điện Đà Nẵng xưa (old photo)

Kiệu quan lớn đi chơi Bà Nà

Bà Nà xưa, một du khách bản xứ với áo dài, khăn đóng đang tần ngần dừng bước để tìm đường đi lên

Bà Nà xưa, đường đi phải qua nhiều “cầu khỉ”- “quan san” cách trở. Chỉ có những phu phen người Việt nầy mới đảm đương việc cán võng, gồng gánh cho khách tây mà thôi.

Đường lên Bà Nà!

Đường lên Bà Nà- phu phen phải gồng gánh hàng hóa cho người nước ngoài trong điều kiện đường sá cách trở.

Mỏ than Nông Sơn – old photo

Mỏ vàng Bồng Miêu
“Từ ngày Tây lại cửa Hàn
Đào sông Câu Nhí, đắp đàng Bồng Miêu”
vè Quảng Nam – Đà Nẵng – old photo

Tháp Chàm Bằng An (Điện Bàn – 1910)

Đà Nẵng – Trận bão lớn năm 1916- Trên bến tàu Courbet cây cối gãy đổ, lác đác vài chiếc tàu bị chìm.

Trận bão lớn 1916

Đường Bạch Đằng

Xử án – người có tội thời xưa bị “nọc” ra giữa công đường và bản án được thi hành ngay.

Diễn tuồng ngoài bụi chuối (Hình như để phục vụ nhiếp ảnh, vì lúc bấy giờ chưa có flash)

“Mát xa” cũng là nghề có sớm ở Đà Nẵng xưa ? ( old photo)

Một số cư dân Đà Nẵng xưa

Phu kéo xe – Những cư dân lao động của Đà Nẵng xưa.- Old

Xe Dodge “nhà binh” được đóng thùng, cải tiến thành xe chở khách – Một phương tiện đi lại quen thuộc trên các tuyến Quế Sơn – Tiên Phước – Hiệp Đức – Đà Nẵng trước 1975- Nhiều xe trên tuyến đường nầy thường bị “dính mìn” tan tác – ảnh CORBIS –

Quân Pháp trở lại Đà Nẵng 1946- Diễu binh trước Tòa Thị chính.


Đường Độc lập trước 1975, nay là đường Trần Phú (vị trí chụp đoạn ngã ba Trần Phú – Phạm Phú Thứ ) XƯA…..


Trường Trung học Sao Mai *sau 1975 đổi tên Nguyễn Văn Trỗi, sau là PTTH.Trần Phú. Đến tháng 12/2009 được tháo dỡ để xây dựng cầu Rồng


Trường Trung học Thọ Nhơn 1958 – Nay là trường THCS Trần Hưng Đạo – Old


Trường tiểu học “ấp Tân sinh” thôn Phước Tường , xã Hòa Phát trước năm 1975


Ngư dân Đà Nẵng xưa – Old


Gánh Mì Quảng, biết đâu là những “tiền hiền” của các quán mì Quảng ở Đà Nẵng hiện nay như quán bà Ngân, bà Vị….


Mì Quảng “Restauran

t” phục vụ những người lao động & một thực khách có “tướng tá rất bặm trợn” đang dùng bữa. Rất giống một nhân vật VIP hiện nay!. Thức ăn và chén bát được bày biện sơ sài trên một phảng gỗ.


Gánh “đậu hủ” – Một dạng đậu nành đông kết, ăn nóng với nước đường đen pha gừng – Món ăn xứ Quảng rẽ tiền nhưng nay cũng đã vắng dần. Hãy chú ý người bán gánh mì Quảng và người bán gánh đậu hủ có khuôn mặt rất giống nhau. Trong một gia đình chăng?


Hàng cháo lòng. Có lẽ là quán vào loại lớn lúc bấy giờ- old photo


Ngư dân Đà Nẵng 50 năm trước


Xe guồng đạp nước, phương tiện “dẫn thủy nhập điền” của người nông dân làng Thủy Tú, Nam Ô xưa.


Sân bay quân sự Đà Nẵng 1968


Lực lượng dân quân du kích trong ngày 29.3.1975 trên đường Phan Châu Trinh ( gần khách sạn Phương Đông – ngã Năm) -Đà Nẵng- Photo: Lâm Hồng Phong


Bản đồ Đà Nẵng xưa 1920, cả thành phố chỉ vỏn vẹn có 20 con đường!


Ngân hàng Đông Dương tại Đà Nẵng (ảnh xưa)


Chụp từ khách sạn MORIN *nay là Bạch Đằng Hotel – 1900

 

Bộ sưu tập hình ảnh của NST Ngô Ba Dũng.